Đa dạng hóa các hình thức dạy – học trong giảng viên và sinh viên Khoa Công nghệ thực phẩm

Thứ ba - 27/12/2016 09:00

Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp sang nền kinh tế tri thức, vai trò của các trường Đại học đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Một trong những thách thức chính yếu mà các trường Đại học phải đối mặt là làm thế nào để đào tạo được sinh viên đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Chính vì vậy, ngay từ ngày đầu thành lập dưới sự chỉ đạo của Ban lãnh đạo Nhà trường, các Phòng ban, Khoa chuyên môn, các giảng viên trong Khoa Công nghệ thực phẩm đã luôn tìm tòi, nghiên cứu nhằm đa dạng hóa các hình thức giảng dạy để gây hứng thú cho sinh viên; kết hợp nhuần nhuyễn giữa học và hành, không ngừng trang bị và phát triển những kỹ năng mềm cần thiết khi làm việc trong môi trường hiện đại.

Thực tế cho thấy, để phát huy tính chủ động, sáng tạo của sinh viên, làm cho các em cảm thấy hào hứng, say mê, hấp dẫn với môn học thì vai trò của người giảng viên trong việc tổ chức hoạt động trong từng tiết giảng về bố cục, nội dung chương trình đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong thời gian vừa qua, đội ngũ giảng viên Khoa Công nghệ thực phẩm đã không ngừng học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu, dành nhiều công sức vào việc tạo ra những giờ học thực sự bổ ích, lý thú, khơi dậy được tiềm năng từ mỗi sinh viên. Dưới đây là các nhóm phương pháp “Dạy và Học” chủ yếu mà thầy và trò Khoa Công nghệ thực phẩm đã áp dụng trong thời gian vừa qua, xin phép được chia sẻ cùng quý thầy cô và các bạn.

1. Phương pháp thuyết trình kết hợp với làm việc nhóm

Giảng viên cung cấp cơ sở lý thuyết nền tảng, sinh viên được chia theo nhóm từ 5 đến 6 sinh viên một nhóm. Mỗi nhóm sẽ chọn (hoặc được giao) một chuyên đề nào đó có liên quan đến nội dung môn học rồi tự phân chia công việc trong nhóm cho các thành viên để tiến hành việc tìm hiểu những nội dung lý thuyết liên quan đến chuyên đề qua sách, giáo trình, ấn phẩm nghiên cứu khoa học..; tìm hiểu thực tế xem các doanh nghiệp, tổ chức hiện đang thực hiện công việc liên quan đến chuyên đề như thế nào với những bằng chứng là thông tin, số liệu, hình ảnh thực tế. Nhóm sẽ hội ý để so sánh, phân tích nội dung chuyên đề trên lý thuyết và nội dung chuyên đề trong thực tế có gì giống nhau, khác nhau, có điểm gì tốt điểm gì chưa tốt… Sau đó các nhóm sẽ viết lại thành báo cáo môn học kèm nhận xét, đánh giá hay đưa ra ý kiến của nhóm về chuyên đề này. Cuối cùng các nhóm sẽ thay phiên nhau trình bày nội dung báo cáo môn học mà nhóm đã thực hiện để nhận được những ý kiến đóng góp hoặc câu hỏi chất vấn của các nhóm khác và của giảng viên. Nhóm sẽ thảo luận và trả lời các câu hỏi được đặt ra. Nếu nội dung trả lời của nhóm chưa thật sự thỏa đáng hay có sự hiểu nhầm, hiểu sai vấn đề… thì giảng viên sẽ hỗ trợ thêm.

Sự kết hợp giữa thuyết trình và làm việc nhóm sẽ kích thích vai trò chủ động của người học. Sinh viên là người chủ động tìm tòi, suy nghĩ, nhận định, phân tích, tổng hợp, đánh giá… chuyên đề của nhóm mình và cả chuyên đề của các nhóm khác.

 

 

Giờ học môn Vi sinh vật thực phẩm

 

Hào hứng và say mê trong công tác làm việc nhóm và chia sẻ tri thức theo nhiều hình thức

 

Các nhóm thay nhau lên trình bày phần thảo luận của mình theo hình thức sử dụng bảng biểu

 

 

2. Phương pháp thuyết trình kết hợp với việc sử dụng tình huống (hoặc đặt câu hỏi)

Việc kết hợp giữa phương pháp thuyết trình và sử dụng tình huống là đưa sinh viên vào một hoàn cảnh thực tế, thông qua đó sinh viên phân tích, đánh giá và phải đưa ra quyết định của mình. Tình huống thường trình bày một sự mâu thuẫn/xung đột, đặc biệt là sự căng thẳng giữa những phương án hành động khác nhau mà những phương án này có thể tạo ra những quan điểm, lợi ích và những giá trị khác nhau trong sự mâu thuẫn và nó đòi hỏi phải được giải quyết bằng một quyết định. Thông thường các tình huống được trình bày trong các ấn bản. Hiện nay, ngày càng có nhiều tình huống được trình bày dưới dạng phim, băng video, …Các tình huống yêu cầu các sinh viên đóng vai của nhân vật chính và ra một hoặc nhiều quyết định quan trọng.

Phương pháp kết hợp này là một quá trình gồm ba bước: giảng viên định hướng, gợi ý, hướng dẫn; sinh viên chuẩn bị cá nhân, thảo luận nhóm nhỏ và thảo luận cả lớp. Người học sẽ tham dự bằng cách thực hành, đóng vai các nhân vật trong tình huống và gánh trách nhiệm của những con người cụ thể trong những tổ chức cụ thể. Họ phải tự ra quyết định khi phải thực sự đương đầu trong một tổ chức thật, có quyền sở hữu, cảm giác được áp lực, nhận rủi ro và trình bày ý tưởng của mình với người khác giúp buổi học có sự trao đổi thông tin đa chiều. Các tình huống giúp sinh viên phát triển sự tự tin, khả năng suy nghĩ độc lập và hợp tác trong công việc với đồng nghiệp. Ngoài ra, phương pháp này cũng là công cụ tuyệt vời để giảng viên kiểm tra kiến thức lý thuyết và những hiểu biết sâu hơn của sinh viên.

 

Sinh viên lớp D-CNTP 3A xây dựng kịch bản, tập diễn và diễn các vở kịch nhằm giải quyết các tình huống về sự cố an toàn thực phẩm liên quan đến các môn học Vi sinh vật thực phẩm, Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Luật thực phẩm…

 

 

Sau mỗi phần trình diễn là thông điệp về cuộc sống an toàn, lành mạnh, trong đó con người bị ảnh hưởng, chi phối nhiều bởi chế độ ăn uống, tập luyện liên quan chủ yếu đến ngành Công nghệ thực phẩm.

 

 

Những môn học khó hiểu và trừu tượng như môn Luật thực phẩm, Quản lý và kiểm tra chất lượng thực phẩm cũng được thầy và trò đơn giản hóa bằng các phương pháp dùng sơ đồ tư duy hoặc sử dụng hình ảnh, video minh họa rất dễ nhớ và dễ học, tránh được sự nhàm chán, khô khan

 

 

 

Phong phú, táo bạo hơn nữa khi Giảng viên và Sinh viên mạnh dạn tổ chức giờ học thành “cuộc thi” khi thành lập một Hội đồng Ban giám khảo do chính các thành viên trong lớp chấm điểm cho các “đội chơi”.

 

Những giờ học này được các bạn đón nhận rất hào hứng và vui vẻ, thậm chí còn chuẩn bị khá công phu và bài bản. Qua những buổi học như vậy, một điều vô cùng lý thú đó là giảng viên đã phát hiện ra được rất nhiều tài năng trong mỗi lớp. Trong khi đó, nếu không có cơ hội này thì có lẽ sẽ khó phát hiện và khó khai thác được. Các buổi học có sự vận động tích cực của trí tuệ và tay chân, hầu như không thấy bóng dáng của những “kẻ” lười biếng, ngủ gục và làm việc riêng. Một lần nữa câu nói “học mà chơi, chơi mà học” lại vẫn đúng ngay cả đối với sinh viên đại học.

Các hình thức này được các bạn hưởng ứng rất hào hứng, nhiệt tình, kiến thức môn học sẽ dễ dàng ghi nhớ hơn.

 

3. Phương pháp thuyết trình kết hợp với hoạt động kiến tập

“Học phải đi đôi với hành, lý thuyết không thể tách rời thực tế”. Thực hiện phương châm này, bên cạnh hai đợt thực tập chính trong chương trình đào tạo của sinh viên, ở từng môn học giảng viên có thể kết hợp phương pháp thuyết trình với kiến tập tại các doanh nghiệp bằng cách giao chuyên đề và yêu cầu các nhóm sinh viên phải đến doanh nghiệp thực tập để thực hiện chuyên đề được giao và nộp báo cáo cho giảng viên hoặc trình bày kết quả trước lớp. Qua những đợt/buổi kiến tập này, giúp sinh viên tiếp cận với trình độ công nghệ hiện đại, thu hẹp dần khoảng cách giữa lý thuyết (bài giảng của thầy cô) so với trình độ sản xuất thực tại của các doanh nghiệp.

 

 

 

SV lớp D-CNTP 2A, D-CNTP 3A đi thực tế môn học CNCB Sữa và các sản phẩm từ Sữa tại Nhà máy Sữa tươi sạch TH – True Milk (Nghĩa Bình – Nghệ An)

 

 

 

SV lớp D-CNTP 4A đi thực tế môn học Vi sinh vật thực phẩm tại phòng Hóa nghiệm – Công ty NewHope chi nhánh Bắc Giang

 

Thầy và trò Khoa Công nghệ thực phẩm đi thực tế tại Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Hải Dương và Công ty TNHH Thạch rau câu Long Hải

 

 

 

 

Một số sản phẩm thử nghiệm và nghiên cứu nâng cao chất lượng các sản phẩm đồ hộp:Dưa chuột muối, Sung muối và tương ớt

 

 

Sản phẩm tương nếp và kẹo gôm từ đề tài NCKH của SV Nguyễn Thị Thoa & Trần Thị Lài (Lớp D-CNTP 2A)

 

 

Chất lượng là một hành trình, không phải là một điểm tới. Chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội, của thị trường lao động thì việc cải tiến liên tục, sự kết hợp khéo léo và khoa học các phương pháp giảng dạy trong hoạt động dạy -học sẽ tạo cho các em có một thái độ đúng đắn và động cơ học tập tốt, chủ động tiếp thu bài giảng và tích lũy dần kiến thức và kỹ năng chuyên môn – nghề nghiệp tương lai.

Tác giả bài viết: Khoa Công nghệ thực phẩm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

LIÊN KẾT
dfdfsfsdf
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây