Khoa Công nghệ thực phẩm

http://cntp.bafu.edu.vn


Hội thảo “Đánh giá chương trình đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm”

khoa Công nghệ thực phẩm đã tổ chức Hội thảo “Đánh giá chương trình đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm”. Hội thảo có sự tham dự của đông đảo đại biểu khách mời trong và ngoài Trường.
htcntp(12)

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay thì vấn đề cạnh tranh chất lượng sản phẩm đào tạo cần được các trường đặc biệt quan tâm. Sinh viên tốt nghiệp ra trường phải trở thành những kỹ sư, cử nhân có trình độ chuyên môn cao, có tay nghề vững vàng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Với mong muốn đạt được mục tiêu đó, Đại học Nông – Lâm Bắc Giang đang tiến hành rà soát, sửa đổi, xây dựng lại chương trình đào tạo của các ngành cho phù hợp. Nằm trong kế hoạch đó, ngày 01/12/2016 khoa Công nghệ thực phẩm đã tổ chức Hội thảo “Đánh giá chương trình đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm”. Hội thảo có sự tham dự của đông đảo đại biểu khách mời trong và ngoài Trường.

 

TS. Nguyễn Quang Hà – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Về phía khách mời có PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Tú – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Đại học Bách khoa Hà Nội; TS. Nguyễn Văn Lợi – Phó Trưởng phòng Công nghệ sinh học, Đại học Công nghiệp Hà Nội; ông Nguyễn Văn Đại – Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông – Lâm – Thủy sản Bắc Ninh; Đại diện các công ty: công ty CP Xuất nhập khẩu Vifoco, công ty Thạch rau câu Long Hải, công ty Xuất nhập khẩu Rau, Quả Phương Đông, công ty CP Quốc tế Sơn Hà, Tập đoàn Vissan, công ty TNHH GOC.

Về phía Nhà trường có TS. Nguyễn Quang Hà – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường; ThS. Trần Văn Châu – Quyền Trưởng phòng Đào tạo; TS. Nguyễn Văn Lục – Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm cùng cán bộ giảng viên và đại diện cựu sinh viên của Khoa đang làm việc tại các Công ty, Nhà máy, Tập đoàn, đã về dự.

 

ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền – Phó Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm trình bày báo cáo đề dẫn kết quả đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm (từ năm 2000 – 2016)

 

Mở đầu Hội thảo, ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền – Phó Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm trình bày báo cáo đề dẫn kết quả đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm từ năm 2000 – 2016.  Theo đó, hiện nay cả nước có khoảng 1.240 doanh nghiệp sản xuất bia, rượu, nước giải khát; trên 30 doanh nghiệp và hàng trăm cơ sở sản xuất, nhập khẩu bánh kẹo; khoảng 40 doanh nghiệp sản xuất dầu thô và dầu tinh luyện...Do đó,  hằng năm nhu cầu tuyển dụng lao động ngành Công nghệ thực phẩm là rất lớn. Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn 2030 cũng đã xác định: "Xây dựng thương hiệu Nhà trường theo định hướng đào tạo ứng dụng đảm bảo sinh viên ra trường có đầy đủ năng lực chuyên môn và kỹ năng tổ chức quản lý quá trình sản xuất, đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng".  Đây là những căn cứ quan trọng cho việc sửa đổi, xây dựng lại chương trình đào tạo của ngành Công nghệ thực phẩm.

 

ThS. Phạm Thị Bình – Trưởng Bộ môn Khoa học thực phẩm trình bày đề xuất điều chỉnh chương trình đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm

 

Với mục tiêu điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn xã hội, khoa Công nghệ thực phẩm đã xác định cần thay đổi chương trình theo hướng: Tăng kỹ năng thực hành của người học, vận dụng lý thuyết vào thực tế sản xuất, hình thành năng lực cá nhân; Tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị sử dụng lao động và cơ sở đào tạo; Nâng cao năng lực tay nghề của giảng viên; Giảm khối lượng giảng dạy tại trường, tiết kiệm kinh phí đào tạo.

 

   

Các đại biểu khách mời tham gia trao đổi, góp ý vào dự thảo điều chỉnh chương trình đào tạo

 

Tại Hội thảo các đại biểu khách mời đã tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ các nhóm vấn đề chính gồm: Những kiến thức, kỹ năng “cốt lõi”của kỹ sư Công nghệ thực phẩm; Những bất cập của cơ cấu khối kiến thức trong chương trình đào tạo và trong tổ chức đào tạo (lý thuyết, thực hành, thực tập); Hiệu quả của việc tổ chức thực tập nghề nghiệp, thực tập tốt nghiệp của sinh viên tại địa phương, doanh nghiệp. Nhiều ý kiến quý báu đã được các vị đại biểu và khách mời đóng góp cho Nhà trường. Các ý kiến tập trung vào các vấn đề như: Thay đổi các tên môn học sao cho phù hợp với đề cương môn học và các trường có cùng chuyên ngành đào tạo; bố trí thời gian các đợt thực hành, thực tập trùng với thời gian sản xuất chính của Công ty, Doanh nghiệp để đem lại hiệu quả cao nhất; các thầy cô giáo cần rèn luyện tính kỷ luật cho sinh viên ngay từ trên ghế Nhà trường ; tăng số lượng các môn cơ sở và thời gian rèn nghề cho sinh viên; các thầy cô giáo nên định hướng và tạo điều kiện cho sinh viên tham gia nhiều hơn vào các đề tài nghiên cứu khoa học; tập trung tìm hiểu các Luật có liên quan trực tiếp đến vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng lại chuẩn đầu ra cho ngành học…

 

TS. Nguyễn Văn Lục – Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm phát biểu kết luận Hội thảo

 

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Lục – Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm gửi lời cảm ơn đến quý vị đại biểu đã dành thời gian, trí tuệ để góp ý cho Khoa trong việc xây dựng, sửa đổi chương trình đào tạo. Khoa Công nghệ thực phẩm, Tổ xây dựng chương trình đào tạo sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu để làm cơ sở cho việc rà soát và điều chỉnh chương trình đào tạo của Khoa. Chúng tôi cam kết sẽ xây dựng lại một chương trình đào tạo tốt nhất, phù hợp nhất để đào tạo ra những kỹ sư đáp ứng yêu cầu của các đơn vị sử dụng lao động cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế của ngành Công nghệ thực phẩm trong thời gian tới./.

TTTT-TV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây