Khoa Công nghệ thực phẩm

http://cntp.bafu.edu.vn


NGÀNH CÔNG NGHỆ THỰC PHẨM CHƯA BAO GIỜ HẾT “HOT”

Khi học ngành này sinh viên sẽ được đào tạo bài bản các kiến thức học thuật từ căn bản đến chuyên sâu về hóa sinh học, các thao tác, kỹ thuật thực hành các mảng về bảo quản, chế biến, kiểm tra, đánh giá chất lượng thực phẩm, sáng chế và phát triển sản phẩm mới, điều hành và quản lý dây chuyền sản xuất…
CNTP 1
Vì sao ngành công nghệ thực phẩm thu hút sự lựa chọn của nhiều sinh viên?
Đã bao giờ bạn tự hỏi thịt bò sống lại có màu đỏ, nhưng khi được xào chín lại có màu nâu, những con tôm thường có màu xám nhưng khi hấp chín lại có màu đỏ tươi, bắp ngô trắng tinh sau khi luộc xong lại biến sang màu vàng…? Không cần tìm đâu xa, khoa học thực phẩm sẽ trả lời tất cả các câu hỏi của bạn. Trong thực tế, nhiều sinh viên công nghệ thực phẩm cho rằng chính sự tò mò đã thu hút họ theo đuổi lĩnh vực này. Với mức độ chuyên sâu và phức tạp của ngành, bạn sẽ luôn tìm thấy những điều mới mẻ khi lựa chọn việc làm trong ngành công nghệ thực phẩm.
Công nghệ thực phẩm là một nhánh của khoa học thực phẩm liên quan đến các quá trình sản xuất tạo ra thực phẩm. Công nghệ thực phẩm thuộc khối ngành kỹ thuật – công nghệ, nghiên cứu về thực phẩm áp dụng các kỹ thuật công nghệ hiện đại. Khi học ngành này sinh viên sẽ được đào tạo bài bản các kiến thức học thuật từ căn bản đến chuyên sâu về hóa sinh học, các thao tác, kỹ thuật thực hành các mảng về bảo quản, chế biến, kiểm tra, đánh giá chất lượng thực phẩm, sáng chế và phát triển sản phẩm mới, điều hành và quản lý dây chuyền sản xuất… nhằm đạt hiệu quả về số lượng, chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa các yếu tố công nghệ sản xuất thực phẩm, đặc biệt đảm bảo yếu tố dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.
 
TP1
 
TP2
 
Sinh viên khoa CNTP ngày ra trường
 
Xu hướng phát triển của ngành công nghệ thực phẩm
Các chuyên gia dự báo, dân số toàn cầu được dự báo sẽ tăng hơn 30% so với thời điểm hiện tại và đạt 9,7 tỷ người vào năm 2050. Theo báo cáo của Liên Hiệp quốc cũng đưa ra số liệu dân số thế giới sẽ tăng lên 10,9 tỷ người vào cuối thế kỷ 21. Điều này cũng làm cho nhu cầu thực phẩm toàn cầu tăng 60% vào năm 2050, nhất là đối với các sản phẩm protein động vật và thực vật. Ông Ehab AbouOaf, chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp thực phẩm châu Á (FIA) cũng đưa ra nhận định: “có 3 xu hướng mới tác động tới ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu là tính bền vững, an toàn sức khỏe và sự tiện lợi”. Điều này dẫn đến sự xuất hiện của những thế hệ thực phẩm mới, các sản phẩm dinh dưỡng cho quản lý sức khỏe, sự phát triển của thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng thực phẩm... Do đó, bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, các nhà sản xuất cũng cần phải tham gia mạnh mẽ, triệt để hơn vào chuỗi giá trị thực phẩm toàn cầu. Chính điều này sẽ góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhằm cải thiện chất lượng và tạo ra các loại thực phẩm lành mạnh, bổ dưỡng, bền vững trong tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại trong việc nâng cao sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tất cả các hoạt động này sẽ ngày càng thúc đẩy sự phát triển chung của ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu.
Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam hiện nay cũng đang có xu hướng tăng trưởng mạnh, từng bước cung ứng nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu. Các thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, giá trị tiêu thụ thực phẩm hàng năm của Việt Nam ước tính khoảng 15% GDP. Trong 5 năm gần đây, lượng tiêu thụ thực phẩm chế biến và đồ uống tăng trung bình hàng năm lần lượt ở ngưỡng 9,68% và 6,66%. Theo đó, dự báo của hãng BMI Research, ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam đạt tăng trưởng kép hàng năm trong giai đoạn 2015-2020 là 10,9%. 
 
TP3
TP4
Sinh viên khoa CNTP tham quan nhà máy sữa TH true Milk
 
Cơ hội việc làm ngành công nghệ thực phẩm
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học thực phẩm, thị trường việc làm ngành công nghệ thực phẩm cũng mở ra nhiều cơ hội mới. Xuất phát từ nhu cầu nhân sự ngày càng tăng của các doanh nghiệp, ngành công nghiệp thực phẩm đang nhận được sự đầu tư lớn. Với mức thu nhập khá cao, cơ hội việc làm trong lĩnh vực khoa học thực phẩm không chỉ giới hạn ở những gì chúng ta vẫn nghĩ. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể linh hoạt chuyển hướng sang vai trò tiếp thị kinh doanh thực phẩm, nhà phân tích hoặc tác giả chuyên về lĩnh vực ẩm thực.
Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng dân số của Việt Nam tăng lên, nhu cầu về sử dụng các loại thực phẩm có xu hướng ngày càng đa dạng, phong phú và chất lượng càng được chú trọng đầu tư nhiều hơn. Điều đó được minh chứng bởi sự gia tăng và phát triển nhiều công ty, nhà máy, cơ sở sản xuất liên quan đến chế biến thực phẩm được xây dựng đầu tư như Công ty cổ phần sữa Việt Nam - Vinamilk, Công ty cổ phần Acecook Việt Nam, Công ty cổ phần Kinh Đô (Mondelez Kinh Đô)… Do đó, những kỹ sư thực phẩm ngày càng có nhiều chỗ đứng trên nhiều vị trí của chuỗi sản xuất thực phẩm với hằng ngàn sa số các loại mặt hàng. Theo đó, lương khởi điểm của một kỹ sư công nghệ thực phẩm khi ra trưởng cũng ngày càng tăng lên và có khuynh hướng hấp dẫn đối với những bạn trẻ trong những năm sự nghiệp đầu tiên (khoảng trên dưới 10 triệu đồng/tháng, chưa kèm các khoản thưởng khác). Có thể nói ngành công nghệ thực phẩm luôn đứng top đầu những lĩnh vực việc làm mơ ước của nhiều người.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ thực phẩm có thể làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị liên quan đến chế biến lương thực, thực phẩm (thịt, trứng, cá, đường, sữa, bánh kẹo, dầu ăn, bột canh, mì ăn liền, chè, cà phê, đồ hộp,…), vệ sinh an toàn thực phẩm, mua bán xuất nhập khẩu; các phòng quản lý Vệ sinh An toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp & PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công thương… Ngoài ra, sinh viên còn có thể trở thành chuyên gia tư vấn dinh dưỡng, dinh dưỡng lâm sàng tiết chế, làm việc tại các bộ phận liên quan đến việc bảo đảm chất lượng, kiểm nghiệm… của các trung tâm dinh dưỡng, trung tâm y tế và y tế dự phòng…
Một số công việc cụ thể như sau:
- Nhân viên kiểm định chất lượng (Quality Assurance - QA)
- Nhân viên kiểm soát chất lượng nguyên liệu (Quality Control - QC)
- Chuyên viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm (Product research and development specialist - R&D)
- Kỹ sư công nghệ thực phẩm (Food technologists)
- Kỹ sư sản xuất (Manufactoring engineer)
- Nhân viên bếp (Kitchen staff)
- Chuyên gia dinh dưỡng (Nutritionist)
- Kỹ thuật viên sản xuất (Production technician)
- Nhân viên phòng thí nghiệm (Laboratory staff)
- Nhân viên bộ phận thu mua (Purchasing department staff)
- Nhân viên vận hành máy (Machine operator)
- Giám sát viên sản xuất (Production supervisor)
- Trình dược viên (Pharmaceutical representatives)…
 
TP5
TP6
Các vị trí việc làm khác nhau của sinh viên CNTP
 

Tác giả bài viết: Phạm Bình

Nguồn tin: Khoa Công nghệ thực phẩm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây